Điều hành

Công văn - Thông báo

Banner Liên kết


Banner quảng cáo

Khoảng cách thiêng liêng

19/11/2014 01:10:33      19799 lượt xem

Bàn về thầy, Hàn Dũ đời Đường cho rằng: “Con người không phải sinh ra là đã hiểu biết hết mọi nhẽ, ai mà chẳng có những điều ngờ vực? Ngờ vực mà không học thầy thì cái điều ngờ vực ấy cuối cùng cũng không giải quyết được”. Và sự thật là như thế! Có ai trong cuộc đời nầy không có một người thầy - dẫu người đó không qua một trường lớp nào cả. Mà đã tôn làm thầy thì lẽ tất nhiên là ta phải trọng, phải kính. 

Ngày còn là một cậu bé trường làng, tôi rất sợ thầy. Không phải tôi sợ cây thước trong tay thầy hay ngọn roi mà thầy bảo chúng tôi mang đến mỗi buổi học. Với tôi, thầy là cái gì đó lớn lao mà người thường không có được. Gặp thầy bao giờ chúng tôi cũng lễ phép cúi đầu chào, đợi đến khi thầy đi rồi mới dám ngẫng mặt lên nhìn. Kính yêu thầy song giữa thầy và chúng tôi bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định. Chính cái khoảng cách thiêng liêng ấy mà sau nầy khi đã trưởng thành, bạn bè chúng tôi nhiều người có chức có quyền vẫn thấy mình bé nhỏ trước thầy.

            Vẫn biết cái khoảng cách thầy - trò của xã hội ngày nay không còn quá khuôn phép như trước. Thầy trò bình đẳng hơn. Sự bình đẳng cần thiết để đáp ứng cho phương pháp dạy -  học mới là phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người học - Thầy chủ đạo, trò chủ động. Thế nhưng,  quan hệ thầy trò trở nên bình đẳng hơn cũng dễ làm nhoà đi ranh giới thầy - trò. Các em học sinh hôm nay tự tin hơn, dạn dĩ hơn song các em cũng trở nên khó bảo hơn, ít vâng lời hơn. Thậm chí nhiều em không còn giữ được khoảng cách thầy - trò. Các em nói chuyện với thầy như nói chuyện với người ngang hàng, phải lứa. Không cẩn trọng trong lời nói. Ngôn ngữ giao tiếp thiếu vắng những tiếng “dạ” “thưa” cần thiết phải có. Cách cư xử của các em đôi khi suồng sã đến quá mức cho phép. Nhiều khi nhận những bó hoa tươi các em mang tặng nhân Ngày Nhà giáo hằng năm mà thầy giáo, cô giáo vẫn thấy lòng không vui. Bởi hoa thì thật đẹp song thiếu những lời nói đẹp. Chưa nói đến việc  các em đi thành từng đoàn cho vui, cho đẹp đội hình để làm nên sự sôi động  ồn ào ở  nhà thầy, vốn là không gian yên tĩnh. Và... rồi các em lại ra về cũng ồn ã như lúc đến bỏ lại những bó hoa nằm chổng chơ một góc mà vẫn chưa mang một ý nghĩa nào cả khi chúng không có lời thưa tặng.

            Tôi thiết nghĩ, sự học ngày nay có gì đó sòng phẳng đến mức lạnh lùng. Các em đóng học phí để đến trường là lẽ đương nhiên. Các em nộp tiền thù lao để được học thêm là cũng là việc phải làm. Thế nhưng không nên “sòng phẳng” mối quan hệ thầy - trò.  Giữa thời buổi kinh tế thị trường đã có không ít thầy giáo, cô giáo đánh mất đi  sự trong sáng, cao đẹp  của nghề giáo bởi những đồng tiền dạy thêm hay những việc làm bất chính. Song không vì thế mà hình ảnh người thầy trở nên mờ nhạt trong xã hội hiện đại. Và các em không còn giữ được những nét hồn nhiên thơ ngây đáng yêu của lứa tuổi học trò.

             “Thầy trò chỉ khác nhau một điều là biết về đạo trước và sau, nghề nghiệp tinh và không tinh, có thế mà thôi...”(*). Các bậc thánh nhân ngày xưa, tài đức hơn người, thế mà vẫn tìm thầy mà học và còn biết giữ cái đạo làm trò. Sao chúng ta ngày hôm nay không học người xưa mà giữ lấy cái khoảng cách thiêng liêng thầy - trò để người thầy mãi là hình ảnh đẹp được học trò  muôn đời  ngưỡng vọng ?           

Nguyễn Mậu Hùng Kiệt

 

-------------------

(*) Bàn về thầy - Hàn Dũ

Tin liên quan

Videos

Thư viện Hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 44
Hôm nay 227
Tháng này 23869
Tổng truy cập 8618631