Điều hành

Công văn - Thông báo

Banner Liên kết


Banner quảng cáo

Cảo thơm lần giở... (Nhân Ngày Sách Việt Nam 21/4/2015)

20/04/2015 00:44:12      31638 lượt xem

Còn Chu Quang Tiềm – nhà mỹ học và lý luận văn học nổi tiếng của Trung Quốc - quan niệm: "Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Bởi học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại”.   

1. Chuyện người xưa đọc sách.

Người xưa có câu: “Tạo chúc cầu minh, đọc thư cầu lý/ Minh dĩ chiếu ám thất, lý dĩ chiếu nhân tâm ”. Nghĩa là làm ra cây đuốc để soi sáng nhà cửa, còn đọc sách là để khai mở tâm trí, rèn luyện nhân tâm. Giới sĩ phu thì cho rằng: “Sĩ phu mà ba ngày không đọc sách thì soi gương mặt mũi đáng ghét, nói chuyện lạt lẽo khó nghe”.

Vua Chân Tông đời Tống còn đề cao, ca tụng và khuyến dụ việc đọc sách:

Phú gia bất dụng mại lương điền,

Thư trung tự hữu thiên chung túc.

An cư bất dụng giá cao đường,

Thư trung tự hữu hoàng kim ốc.

Thú thê mạc hận vô lương môi,

Thư trung hữu nữ nhan như ngọc.

Xuất môn mạc hận vô nhân tùy,

Thư trung xa mã đa như thốc.

Nam nhi dục toại bình sinh chí,

Ngũ kinh khuyến hướng song tiền độc.

Dịch nghĩa

Nhà giàu không cần mua ruộng nhiều,

Trong sách tự có ngàn chung thóc.

Ở yên chẳng cần xây gác cao,

Trong sách tự có nhà kim ốc.

Lấy vợ chớ hờn không mối mai,

Trong sách có nàng mặt như ngọc.

Ra đường chớ hờn không kẻ hầu,

Trong sách ngựa xe nhiều lóc nhóc.

Nam nhi muốn thỏa chí bình sinh,

Sử kinh khuyên cố chuyên cần đọc.

 

Cũng chính từ ý tưởng của bài thơ này, về sau trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, có truyện mang tên Thư Si (Mê sách). Truyện kể về cậu học trò nghèo Lang Ngọc Trụ rất mê sách và tin rằng trong sách cái gì cũng có. “Hàng ngày Lang thường ngâm đọc, lại còn viết bài ấy vào bức lụa trắng, chỉ sợ mờ rách mất. Anh ta cũng không mơ tưởng đường công danh vì đinh ninh tin rằng trong sách thế nào cũng có vàng, có thóc. Suốt ngày suốt đêm, anh ta chỉ mải mê đọc sách, bất kể lúc nóng nung người, khi rét cắt da. Tuổi ngoài đôi mươi, anh ta chả thiết gì tìm vợ vì hi vọng người đẹp trong sách sẽ tự đến.”. Và rồi nhờ vào việc đọc sách mà linh nghiệm. “Thi trung tự hữu”,  Lang Ngọc Trụ có tất cả thế nhưng anh ta vẫn không đánh mất niềm đam mê đọc sách. Chính điều đó đã làm anh khó xử khi phải chọn lựa giữa người đẹp “nhan như ngọc” và sách.

Câu chuyện mang màu sắc liêu trai chí dị, nhưng qua đó cũng gợi mở cho người đọc nhiều điều, không chỉ là chuyện mê sách mà còn đề cập đến vấn đề nhân sinh với những đam mê của đời người.

Còn Chu Quang Tiềm – nhà mỹ học và lý luận văn học nổi tiếng của Trung Quốc - quan niệm: "Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Bởi học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại”.  Bàn về đọc sách, tác giả còn bàn đến cái khó của việc đọc sách và phương pháp đọc sách. Và ông có nhắc lại một câu thơ của cổ nhân rất ý vị, thấm thía:

Sách cũ trăm lần xem chẳng chán,

Thuộc lòng, ngẫm kĩ một mình hay.

2. Chuyện nhà thơ Chế Lan Viên đọc Truyện Kiều và gửi giọt lệ hồi âm.

          “Cảo thơm đặt trước đèn, tôi giở/ Mỗi trang Kiều rung một bóng trăng thanh” (Đọc Kiều) – Vâng ! Đọc Kiều, nhà thơ Chế Lan Viên như đọc những trang đời cụ Nguyễn. Ông đã đọc bằng cái “tâm” – “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”- Không phải ngẫu nhiên nhà thơ có đến ba bài thơ trùng tên Đọc Kiều và trên dưới mươi bài thơ viết về Kiều, về cụ Nguyễn, bởi theo ông:

          Có lúc đọc thẳng Kiều, có lúc đọc nghiêng nghiêng

Đọc thẳng nghĩ đến Kiều, đọc nghiêng nghĩ về ta vậy.

Giữa dòng thời gian nước xiết, tuổi tên chỉ là phù vân. Như ý thức được cái hữu hạn của kiếp người, cụ Nguyễn đã “hóa ngang trời hoài niệm, hóa ra Kiều cao gấp mấy đời ông”. Có lẽ là như thế:

Các triều đại bể dâu nhưng thi cảo trường tồn

Anh lập công trên những dòng ngôn ngữ ấy

Bạch Đằng anh là cắm cọc  vào thời gian nước chảy

Cho nghìn năm sau vầng trăng tiếng Việt mãi còn.

(Nghĩ thêm về Nguyễn)

Lịch sử nước nhà hẳn không ghi chiến công của cụ Nguyễn – người không hề cầm thanh gươm ra trận – nhưng cái “vầng trăng tiếng Việt” còn đến ngày hôm nay, công nhà thơ quả là không nhỏ. Truyện Kiều đã thật sự “cắm cọc vào thời gian nước chảy”. Và “dòng ngôn ngữ” ấy chính là hồn của cả một dân tộc:

Anh nuôi hồn thơ như cô Tấm nuôi trong giếng sâu u tối

Cái bống con nôm na mách qué chả ai nhìn

Nào hay đâu khi lòng độc giả tri âm vẫy gọi

Thì câu Kiều như giọt máu trồi lên.

(Nghĩ thêm về Nguyễn)

Vâng! Khi lòng cụ Nguyễn gọi thì bống hóa câu Kiều, “khi lòng độc giả tri âm vẫy gọi thì câu Kiều như giọt máu trồi lên”. Để có được viên ngọc Truyện Kiều, cụ Nguyễn đã như con trai  ngậm nỗi đau đời mình trải qua sóng gió của đời mà đúc nên châu ngọc.

“Tôi muốn biết cơn nắng, cơn mưa năm Nguyễn viết Kiều và lúc ấy Nguyễn yêu ai mà khổ vậy?”(Đọc Kiều 2). Hỏi là hỏi vậy, song nhà thơ Chế Lan Viên gần như thẩm thấu được lòng Nguyễn Du – người đã chọn con đường đau khổ mà đi, những người đau khổ mà tả. Đọc Truyện Kiều, Chế Lan Viên có cảm giác như cụ Nguyễn viết cho riêng ông thì sao ông không hiểu được cơn nắng, cơn mưa và nỗi niềm cụ Nguyễn. “Trong câu Kiều xưa, ta tìm ra Nguyễn Du và tìm cả chính mình.” (Đọc Kiều một ngày kia)

Vấn đề con người luôn đặt ra trước mỗi trang viết của người cầm bút có lương tri. Người đọc phải đọc bằng chính tấm lòng mình thì mới có cơ may hiểu người, hiểu đời và hiểu mình:

Giá tôi đem lòng tôi, tôi đọc Nguyễn Du

Có phải hiểu nhân dân mình thêm chút nữa

Hiểu giá khổ đau để thêm bừng ngọn lửa

Nước mắt ta đem đổi máu quân thù.

(Đọc Kiều)

“Hồn Nguyễn Du phảng phất mỗi trang Kiều” (Tế Hanh). Mỗi lần đọc Kiều là mỗi lần nhà thơ phát hiện ở cái “vỉa thơ” đó những hồn thơ ẩn náu. Nhà thơ Chế Lan Viên đã đọc Kiều như thế. Dường như ở mỗi câu chữ trong Kiều nhà thơ đều tìm thấy tiếng nói tri âm.

“Mai sau dù có bao giờ...”, biết có ai trong chúng ta đọc Kiều còn gửi được giọt lệ hồi âm, còn “nhỏ một giọt sương người bên khóe mắt’ về phía trang Kiều như nhà thơ Chế Lan Viên:

 

Lệ ta nhỏ trên trang Kiều ba trăm năm sau

Ích cho Nguyễn ba trăm năm trước

Ông vui thấy ta còn biết khóc

Giữa cuộc đời chưa hết bể dâu.

(Lệ hồi âm)

“Cảo thơm lần giở trước đèn” như nhà thơ Chế Lan Viên quả là đáng kính phục và cũng có bao điều để chúng ta suy ngẫm về chuyện đọc sách!

3. Chuyện mơ màng qua những trang sách.

Nhà thơ - học giả Phạm Công Thiện cho rằng "Đọc một quyển sách là mơ màng qua quyển sách. Sách chỉ là cái cớ để tha hồ mơ mộng mà không bị gọi đãng trí”.  Khi dạy văn, tôi thường yêu cầu học sinh đọc tác phẩm phải “sống” với tác phẩm, thế nhưng đúng là mơ màng qua tác phẩm mới thật chí lý.

Tôi là người mê sách, tuy không đến mức quên ăn, quên ngủ như Lang Ngọc Trụ – nhân vật trong Thư si của Bồ Tùng Linh hay điên rồ mê sảng như Đôn Ki-hô-tê – nhân vật trong tiểu thuyết cùng tên của Xéc-van-téc. Nhưng tôi thường hay mơ màng qua sách. Tôi đọc không thật nhiều và nhớ cũng không nhiều. Thế nhưng mỗi cuốn sách thường mở ra cho tôi một thế giới nghệ thuật để tôi tha hồ mơ mộng.

Lúc còn là một cậu học sinh trường làng, tôi chưa biết việc đọc sách có tác dụng biến đổi và hoàn thiện tư duy con người, cũng như ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, đến thế giới nội tâm, đến trình độ văn hóa, đến hoạt động xã hội của người đọc. Đọc theo sở thích. Hơn nữa lúc đó sách đâu có nhiều để đọc, để lựa chọn. Gặp đâu đọc đấy. Thích là đọc. Chuyền tay nhau mà đọc. Rất may là những quyển sách tôi đọc được đều là những tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật. Vấn đề là khi đọc những trang sách ấy tôi bắt gặp “tôi” trên những hoàn cảnh khác nhau, số phận khác nhau; vui buồn, đau khổ, hạnh phúc cùng với đời sống nhân vật. Tôi nhớ khi đọc Giamilia - Truyện núi đồi và thảo nguyên của Aitmatov, gấp trang sách lại, trong tâm trí tôi vẫn tràn đầy những câu truyện, những bức tranh với con người, núi đồi thảo nguyên bát ngát. Những ngày sau đó tôi thường hay mơ về những thảo nguyên và cứ nghe mơ hồ đâu đó tiếng vó ngựa, tiếng hát... và khi đạp xe đi qua nhưững con đường vắng, tôi cứ nghĩ sẽ gặp một người con gái – một “cây phong non trùm khăn đỏ” đang đứng chờ tôi. Hay khi đọc Nhịp cầu trên sông Drina của  Ivo Andritch – một tác phẩm nghệ thuật sử thi, trong tôi luôn hiện hữu một công trình kiến trúc tuyệt đẹp ở một nơi hẻo lánh cùng với những biến cố của đời người gắn với lịch sử mấy trăm năm. Tôi đọc Trăm năm cô đơn của  Marquez vào những ngày mưa. Những trận mưa nối dài, dai dẵng không dứt. Nằm trên gác trọ, buồn và cô đơn, tôi cứ ngỡ mưa từ thế giới nghệ thuật của tác phẩm mưa ra và chắc sẽ không bao giờ chấm dứt. Vâng! Tôi thường mơ màng qua tác phẩm.

Và nhiều khi trong trạng thái mơ màng, được tác phẩm truyền cảm hứng, tôi thường hay ghi lại một đôi điều. Có thể, đó chỉ là đôi dòng cảm nghĩ, hay một vài câu thơ. Ví như khi đọc Dona Bárbara của Rómulo Gallegos, tôi đã viết:

Dona Bárbara khép lại rồi

Trời mưa

Lũng sâu

Thảo nguyên

Tí tách... tí tách... mưa rơi!

          Ngỡ ngàng

          Mưa trên đồng nội

          ....

Dona Bárbara khép lại rồi

Sao có tiếng vó ngựa quen và bài dân ca trìu mến

Lại đi về miền Auraca hoang dã

Muôn đời một khát vọng thảo nguyên

Và đây là đôi dòng cảm nhận khi đọc Sông Hằng mẹ tôi của B.P.Gupta: “Tôi tìm thấy trên mái tóc Ba-bi đôi hạt phấn hồng của tình yêu thương chảy trên đường rẽ ngôi đắng cay, tủi nhục, đợi chờ, khát vọng, đang chảy về với mẹ sông Hằng nhân ái, bao dung”.

Đọc sách hay và thú vị như vậy đấy!

4. Thay lời kết

Không phải ngẫu nhiên từ cổ chí kim, sách được nhân loại yêu quý, trân trọng, được gọi là cảo thơm hay phương thảo (pho sách thơm hay pho sách hay). Người viết bài này không có ý định bàn đến những vấn đề to tát như: giá trị của sách trong thời buổi công nghệ thông tin, văn hóa đọc trong thời hội nhập... chỉ đôi điều tản mạn những mong góp một tiếng nói trong ngày hội sách.

Và xin được mượn lời của D.Henziut để khép lại bài tham luận: “Tôi bước chân vào thư viện và khép cửa lại. Như thế là tôi đã tách khỏi tính tham lam, lòng tự ái, tệ say rượu và sự lười biếng cùng tất cả những thói hư tật xấu do cái dốt nát, sự vô công rỗi nghề và cảnh sầu tư sinh ra. Tôi đắm mình vào cái vĩnh hằng giữa những tác giả tuyệt diệu với một niềm tự hào, với một cảm giác thỏa mãn đến mức cảm thấy thương hại tất cả các ông quan lớn sang trọng và giàu có nhưng không được hưởng niềm hạnh phúc này.”.

Nguyễn Mậu Hùng Kiệt

Tin liên quan

Videos

Thư viện Hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 4
Hôm nay 503
Tháng này 43029
Tổng truy cập 8567379