Điều hành

Công văn - Thông báo

Banner Liên kết


Banner quảng cáo

Người đóng đinh thời gian

31/12/2016 02:24:54      6366 lượt xem

Thời gian bóng câu qua cửa. Vèo một cái đã thấy mình đứng bên kia dốc cuộc đời. Đưa tay bóc tờ lịch cuối, có ai không thảng thốt giật mình

                        Tờ lịch cuối năm

                                                Nguyễn Ngọc Hưng

                       

            Mỏng manh tờ lịch cuối năm

                        Nhẹ tênh rơi xuống chỗ nằm...

                        Vọng âm

 

                        Thoảng như hơi gió vương trầm

                        Thoảng như sương khói môi thầm thĩ xa

 

                        Mơ màng lật lại trở qua

                        Ngày chia hai nửa trẻ - già đây ư ?

                                    Nửa xanh chớm nhạt ngôn từ

                        Nửa vàng như đã lại như chưa vàng...

                       

                        Cháy thầm trong lửa thời gian

                        Buồn vui cũng hoá tro than vô hình

                                   Cuối năm mình tiễn tuổi mình

                        Mỏng manh tờ lịch rập rình...

                        Gió bay !

                                    (Rút trong tập Từ khi có phượng của Nguyễn Ngọc Hưng-

          NXB Hội Nhà văn –2005)        

            Thời gian bóng câu qua cửa. Vèo một cái đã thấy mình đứng bên kia dốc cuộc đời. Đưa tay bóc tờ lịch cuối, có ai không thảng thốt giật mình. Nói gì đến Nguyễn Ngọc Hưng – con người “luôn mơ ước hạnh phúc mà chẳng mấy khi được hưởng một cách thật sự”(1). Đã hơn hai mươi năm, kể từ ngày anh lâm trọng bệnh (1983), anh nằm đó cảm nhận sự sống từng ngày qua đi trong đau đớn. Anh khát khao được sống đúng nghĩa, được hưởng cái quyền làm người và được tận hiến cho cuộc đời nầy. Chính vì vậy, hơn ai hết anh thấy buồn, thấy đau một khi:

Mỏng manh tờ lịch cuối năm

Nhẹ tênh rơi xuống chỗ nằm...

Vọng âm

            Vâng, tờ lịch cuối năm “mỏng manh” rơi xuống “nhẹ tênh” gần như không thanh âm, không trọng lượng thế nhưng người thơ lại nghe bao “vọng âm”. Sức nặng của ngôn từ có được nhờ câu bát bị tách chẻ tạo nên một dòng thơ đặc biệt, đầy ám ảnh.

Cứ ngỡ sau dòng thơ ấy, ta sẽ được nghe tiếng “động” cụ thể nào đấy của sự sống. Thế mà... “Thoảng như hơi gió vương trầm / Thoảng như sương khói môi thầm thĩ xa”. Thì ra anh đang nghe bằng trái tim còn hôi hổi nóng kỷ niệm của một thời quá vãng. Cái điều tưởng như mơ hồ “thoảng như gió”, “thoảng như sương khói” ấy lại rất thật. Đó là những “vọng âm” của hương vị cuộc sống, của tình yêu mà anh không còn có cơ may đón nhận và tận hưởng.

Vẫn biết thời gian là ước lệ thế nhưng tờ lịch cuối năm đã đem lại cho anh Nguyễn Ngọc Hưng những suy tư, trăn trở đến mức dày vò đau đớn. Sau những vọng âm hư thực là một sự thật nghiệt ngã:

                        Mơ màng lật lại trở qua

                        Ngày chia hai nửa trẻ - già đây ư ?

                        Nửa xanh chớm nhạt ngôn từ

                        Nửa vàng như đã lại như chưa vàng...

            Những câu thơ day dứt đến buồn thương bởi nó ẩn chứa cả một niềm trắc ẩn. Nếu ta thảng thốt giật mình trước thời gian qua mau thì với Nguyễn Ngọc Hưng còn là sự tự ý thức về thân phận trong cái qui luật của cuộc đời. Chàng thanh niên trai trẻ ngày nào giờ đã ngoại tứ tuần. Có lẽ, hơn ai hết anh hiểu hai nửa của đời mình: một nửa mãi mãi tuổi hai mươi, một nửa đang già đi theo thời gian khắc nghiệt. Một câu hỏi buồn đi liền với những suy tư ngậm ngùi: “Nửa xanh chớm nhạt ngôn từ / Nửa vàng như đã lại như chưa vàng...”. Và sự thật cuộc đời anh là thế ! Bởi “cái cuộc tôi đi tìm tôi của Hưng là một hành trình không cây số. Không phiêu lưu, lang bạc nơi cõi thật trần ai để tìm trong lánh đục đời mình, để nghiệm đời mình; mà cuộc hành trình của Hưng là một cuộc kiếm tìm lặng lẽ không để lại dấu chân. Anh tự đào sâu vào lòng mình để làm cuộc du hành không nhân ảnh” (2). Và như thế, làm sao anh không chạnh nghĩ về thơ, về thân phận.

            Sau những va đập mạnh của từng đợt sóng xúc cảm, dường như người thơ  đã lấy lại được sự thăng bằng. Con chữ không còn giằng xé, vật vã “lật lại, trở qua”. Giọng thơ đã trở nên  sâu đằm và lắng lại trong một dòng suy tưởng:

                                    Cháy thầm trong lửa thời gian

                                    Buồn vui cũng hoá tro than vô hình

                                    Cuối năm mình tiễn tuổi mình

                                    Mỏng manh tờ lịch rập rình...

                                    Gió bay !

            “Cháy thầm”. Quả thật anh đã lặng lẽ cháy hết mình cho thơ – thơ cứu rỗi linh hồn anh - trong “ngọn lửa thời gian”. Vẫn biết tất cả “buồn vui cũng hoá tro than vô hình”. Chúng ta, theo qui luật của thời gian rồi cũng chỉ còn là một nắm di hài. Thế nhưng tâm hồn con người là toàn vẹn và bất tận. Những câu thơ cuối phảng phất một chút “thiền”, gợi ta nghĩ về cái hữu hạn của kiếp người mong manh sương khói. Và  ta hiểu hơn cái cảm giác trống vắng của Nguyễn Ngọc Hưng khi anh giáp mặt với thời gian, không gian một ngày “cuối năm mình tiễn tuổi mình”. Dường như đã “rập rình” một tiên cảm không vui...

            Cái gì đến cũng sẽ đến. Tờ lịch cuối năm mỏng manh rồi sẽ theo gió cuốn bay. Thế nhưng Nguyễn Ngọc Hưng đã kịp đóng đinh thời gian trong trang viết của mình. Và nói như nhà thơ Vũ Tú Nam: “Thời gian - Thời gian vô cùng và hữu hạn / Miếng da lừa dài ngắn được bao lâu ? / Tuổi tác đến qua từng chặng đường hy vọng / Cái vui gần thường át nỗi lo âu...” (Thời gian).

Nguyễn Mậu Hùng Kiệt

-----------

(1) Trong Lời giới thiệu của  Tạ Duy  Anh                                                                         

(2) Trong Nghe tiếng ve không mùa nhận ra trái tim phía cỏ của Mai Bá Ấn

Tin liên quan

Videos

Thư viện Hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 6
Hôm nay 513
Tháng này 43039
Tổng truy cập 8567389