Điều hành

Công văn - Thông báo

Banner Liên kết


Banner quảng cáo

Tản mạn thi ca – siêu thực và sáng tạo

14/10/2014 14:49:26      2942 lượt xem

Tôi viết về sự hữu hạn của ý thức, về sự bất lực của ngôn ngữ - nghĩa là tôi đang tự mâu thuẫn với chính mình? Đúng. Dùng cái hữu hạn để diễn tả cái vô hạn là một điều vô lý. Ở đây, chỉ xin phép lưu ý quý độc giả một điều: tôi đang viết tản - mạn – thơ; nghĩa là tôi đang ít nhiều… làm thơ. 

Tiểu luận phê bình của Y Nguyên

Thi ca gần với hội họa. Và giấc mơ siêu thực tiềm 
ẩn dữ dội trong tranh của họa sĩ Salvador Dali.

Y NGUYÊN

1. Tính "siêu thực" trong thi ca - hành trình gõ cửa vô thức

Từng có những đêm dài tôi thao thức với thơ. Lặn lội, kiếm tìm như lạc bước mê cung; nhưng càng kiếm càng hoang mang; càng tìm càng mù mịt. Tặc lưỡi, bỏ dở cuộc chơi, nhìn chữ nghĩa bằng con mắt “căm thù”. Thơ bị vứt xó; nằm tội nghiệp, chỏng chơ – như đang chiêm nghiệm, trầm ngâm về nỗi tình đời ghẻ lạnh. Đời sống vốn dĩ quá bộn bề chuyện mưu sinh. Trên cánh đồng giấy trắng, tôi cũng đang hùng hục cấy, cày, gieo, gặt để mưu sinh. Chuyện mưu sinh cần phải tỉnh; và tôi đang đọc tỉnh, viết tỉnh, nghĩ tỉnh; không dám để mộng mơ dắt rê lầm đường, lạc nẻo, đi xa cái quĩ đạo… thị trường. Tôi quên - cố quên hay tưởng rằng quên - những con chữ Thơ; những con chữ “trời đánh” đã dồn tôi vào đường cùng, hành hạ tôi trong nỗi bất lực của một nỗ - lực - đầy - tuyệt - vọng.

… Và đến một trưa kia, khi đang giải quyết chuyện “nội môi trường”, tình cờ tôi thấy kẻ thù của tôi đang… nằm lù lù trong giỏ giấy! Tiện tay, tôi vớ lấy. Và lật. Và đọc - đọc để giết thì giờ trong khi chờ “xong việc”. Tôi đọc bằng cái tâm “không”, bàng quan, lơ đãng (bởi chẳng thể nào nỗ lực, tập trung khi mùi hố xí bốc lên trong cái nắng oi nồng!). Lạ chưa! Những con chữ bỗng nhoà đi, nhường chỗ cho Thơ - chẳng có gì rối rắm, chẳng có gì bí hiểm. Tôi di chuyển, phiêu lưu tự do trong cái “trận đồ bát quái” như kẻ đã tìm đúng cửa “sinh” - muốn vào, muốn ra mặc lòng, tuỳ thích! Cuống cuồng, tôi đưa tay bịt mũi, cố tập trung, nỗ lực lần theo ánh sáng vừa loé lên…. Hỡi ơi! Ánh sáng bỗng nhoà đi; và - hiển hiện rõ ràng trên trang giấy - vẫn chỉ còn là những con chữ; những con chữ khanh khách nụ cười của con Sphinx bí hiểm; những con chữ nhảy múa loạn xà ngầu trong cái mê cung khiếp đảm, kinh hoàng!

… Cảm giác ấy không chỉ đến một lần. Cảm giác ấy còn đến nhiều lần; và cũng không nhất thiết phải ngồi trên… hố xí. Có thể là một phút thư dãn giữa bộn bề những trang bản thảo. Cũng có thể sau một trận cười nắc nẻ cùng lũ trẻ con mũi dãi lòng thòng. Cảm giác ấy đến khi tôi quên nghề nghiệp của tôi, quên vị thế của tôi, quên thu nhập của tôi, quên tầm quan trọng của tôi, quên sự hữu ích của tôi; tóm lại là – khi tôi quên tôi. Khi tôi chỉ còn nhỏ nhoi như hạt bụi; hạt bụi ấy sẽ bắt đầu lăn đi, bắt đầu cuộc hành trình trên con - đường – không – có – con – đường tìm gõ cánh cửa vô thức.

… Lần đầu tiên tôi cảm thấy – hình như tôi đã sờ được chiếc chìa khóa mật mã lạ lùng của thi ca. Lạ lùng trên cả lạ lùng. Thánh đường thi ca không dành cho người khôn, người tỉnh, kẻ giàu. Cần phải ngu đi; cần phải nghèo đi – nghèo đến mức độ không còn gì – lúc ấy sẽ bừng lên một khoảnh khắc, hay một sát na Thơ (theo ngôn từ Phật học); một cơn lốc thổi tung cánh cửa Thánh đường; và Vị Chủ Tể của Vương Quốc Thi Ca sẽ bước xuống khỏi lộng lẫy ngai vàng, chìa tay, tươi cười đón thêm một thần dân mới.

Năm xưa ta vẫn chưa nghèo 
Năm nay ta đã đói meo thực mà
Năm xưa còn miếng đất nhà
Có con chim đậu, tuổi già vui chơi
Năm nay nghèo rớt mồng tơi
Miếng đất chẳng có, chim ơi còn nào?
(Hương Nghiêm thiền sư)

Hành trình tìm gõ cánh cửa vô thức của thi ca là một hành trình tuyệt đối bình đẳng. Quyền lực ư? Tiền tài ư? Bằng cấp ư? – đó chỉ là những giá trị hiển hiện trong phạm trù ý thức. Con đường vô thức không có chỗ cho quyền lực, học vị, tiền tài. Trên con đường ấy, cơ may của Tiến Sĩ cũng chẳng khác dân cày, của kẻ ăn mày cũng ngang Hoàng Đế. Ấy là con đường củagiũ bỏ, của ngây thơ, của sự thừa nhận cái vô lý như một điều hữu lý. Đừng cãi vã. Càng cãi vã, chúng ta càng rơi vào tâm lý “tranh hơn”. Muốn tranh hơn, tức thị chúng ta đã tham. Tham chính là đầu mối của sân (tức giận) – tất yếu sẽ dẫn con người đến chỗ si (ngu ngốc). Và càng ngu ngốc, chúng ta càng rời xa cái đích kiếm tìm. Hãy lắng nghe; lắng nghe không thành kiến, không mặc cảm, không ghen tị, không hận thù. Lắng nghe; và nếu thích, chúng ta cứ nói – nói một cách vô tư, không rụt rè, sợ hãi – những cảm nhận thực sự từ bản năng sâu thẳm của chúng ta; của chính chúng ta, không cần vay mượn, cóp nhặt. Bản năngchính là cội nguồn của sáng tạo. Liệu chúng ta sáng tạo được gì khi chúng ta mải mê vay mượn và cóp nhặt? Đừng sợ sai. Dẫu có sai, đó cũng là cái sai thực. Cái sai thực – tức cái sai của chúng ta - còn đáng quí hơn cái đúng giả - tức cái đúng vay mượn của người khác. Đừng mặc cảm, tự ti vì chúng ta không phải là tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân hay “nhà” này, “nhà” nọ. Đời sống vốn bất toàn; và cái “sai của ông Tiến Sĩ” đôi khi còn khủng khiếp gấp nghìn lần. Lắng nghe và nói cho nhau nghe bằng cái Tâm trong sạch – đó là cơ may duy nhất để chúng ta đón nhận những tiếng vọng từ trong lòng sâu thẳm của thi ca…

Đừng lạm dụng chuyện lý giải thơ ca; bởi càng cố lý giải, chúng ta càng rời xa cái Lý (tôi muốn nói cái Lý toàn thể, nhất quán của Vũ Trụ). Kết cục của lý giải thường đưa đến sự ngộ nhận. Chúng ta nô lệ vào chữ nghĩa, vào cấu trúc ngữ pháp. Chúng ta đem thơ lên bàn mổ, tiến hành mổ xẻ - mổ xẻ đến tan nát – và cuối cùng, chúng ta… hiểu. Hiểu gì? Hiểu đến tường tận mọi ngóc ngách của cái tử - thi – thơ. Còn Hồn Thơ? Nó đã lìa khỏi xác tự lúc nào – tự khi chúng ta đang nhăm nhăm chúi đầu vào ca mổ…

… Nền văn minh duy lý kiểu phương Tây đã hại chúng ta không ít. Chủ nghĩa duy lý – trong quá trình tôn vinh, phát triển ý thức – đã hủy hoại không thương tiếc phần tâm thức của con người. Đó là một con dao 2 lưỡi; một công cụ - vừa hỗ trợ chúng ta – nhưng cũng chẳng ngại ngần cắt đứt tay chúng ta. Nói cách khác, nền văn minh ấy giúp chúng ta giàu lên vềvật chất, nhưng lại nghèo đi về cái Tâm; giúp chúng ta giàu lên về lý luận, nhưng lại nghèo đi về cảm nhận. Đó là cái giá tự nhiên chúng ta phải trả. Đó là một thực trạng; không chỉ thực trạng xã hội mà còn là thực - trạng – thi – ca. Đọc thơ, làm thơ, chúng ta sa đà vào chữ nghĩa; và chính sự sùng bái, tin tưởng tuyệt đối vào chữ nghĩa khiến ta không dám lột nó lên, vứt nó đi để nhìn ra cái bóng chữ (Lê Đạt), hay cái hồn vía chữ (Trần Đăng Khoa) – tức cái đằng sau chữ nghĩa – Cái phần Thơ đích thực của thơ…

… Đừng khổ công đi vào vô thức bằng con đường ý thức. Đem cái hữu hạn để diễn tả, làm thước đo cho cái vô hạn - ấy là tự hại mình và hại cả thi ca.

2. Sáng tạo - Hành trình của thống khổ

Tôi đã từng đọc Apollinaire, đọc Boris Pasternak, đọc Nguyễn Trãi, đọc Nguyễn Quang Thiều, Lê Đạt, Võ Minh Trang, Chinh Văn, Nguyễn Hữu Hồng Minh…. Những tập thơ, những bài thơ đến với tôi như một sự tình cờ. Tôi không có tham vọng (và cũng không thể tham vọng) đọc tất cả mọi trước tác của những nhà thơ Đông – Tây – Kim - Cổ. Tôi đọc cái gì tình cờ rơi vào tay tôi; những cái mà số phận muốn dành cho tôi. Tôi chẳng thể đòi hỏi hơn những gì thuộc phạm vi hữu hạn của số phận. Mỗi con người có một số phận, có cơ duyên thu nạp một lượng kiến thức nhất định nào đó. Nhưng kiến thức được thu nạp nhiều hay ít - điều đó không quan trọng bằng cách chúng ta sử dụng kiến thức đó. Tư tưởng đỉnh cao của tinh thần giáo dục Đông phương (và cả một phần Tây phương) không phải là hoàn thiện con người theo kiểu tích cóp và nhồi nhét kiến thức ( như kiểu tích cóp tiền bạc), ì ạch vác nó lên vai; và lúc cần, cứ mở hầu bao lôi những nguyên lý, những định đề ra làm “ bia đỡ đạn” cho mọi vấn đề của đời sống. Đó là một thảm trạng – mà chúng ta có thể tạm dùng từ: sự “ Tẩu hỏa nhập ma”, hay sự “ bội thực” kiến thức. Cái bọc kiến thức càng cao, càng to thì chúng ta càng thấp xuống, càng bé đi – bé đến mức con người hoàn toàn bị lấp mất dưới đống kiến thức. Tinh thần giáo dục đích thực không phải nhồi nhét kiến thức. Kiến thức chúng ta thu nạp cần được sử dụng như một chiếc chìa khoá. Chiếc chìa khoá ấy sẽ giúp mở cửa cái kho nội tại trong mỗi con người. Mỗi con người đều có sẵn một “kho” nội tại. Cái “ kho” ấy chứa đựng những tiền đề của tài năng, của sáng tạo; và khi cái “kho” ấy được mở ra, con người sẽ lớn vụt lên, sánh vai cùng trời đất trong cái thế “Tam tài” Thiên - Địa –Nhân bền vững. có thể nói rằng: hành trình học hỏi, trau dồi kiến thức chính là hành trình ta đi tìm chính Ta; và khi ta tìm thấy Ta, kiến thức đã hoàn thành xong sứ mệnh đích thực của nó. Nó cần phải được quên đi, để không biến thành trở lực cho hành trình sáng tạo; cuộc hành trình cô đơn mà mỗi con người đều phải tự đi bằng đôi chân, không có người dẫn dắt, không có bạn đồng hành…

…Tôi lạc đề mất rồi. Tôi đang nói về thơ. Từ Apollinaire đến Nguyễn Hữu Hồng Minh - phải chăng – tôi đang nhìn thấy hành trình thống khổ của sáng tạo. Đó là cuộc chiến đấu sống còn, quyết liệt; là nỗ lực đớn đau không ngừng nghỉ của Người Thơ cố khai mở phần tâm thức, phá đổ những rào cản, vượt qua những lối mòn. Họ một mình trăn trở, quằn quại, cô đơn lao vào cái mê cung chữ nghĩa để tìm cách thoát ra khỏi chữ nghĩa. Họ hùng hục một mình, không dám theo ai, không dám rủ ai; bởi hơn ai hết, họ hiểu (bằng trực giác) câu nói của Đại sư Cổ Đức: “ Khi ta trỏ mặt trăng, nhiều người mải nhìn ngón tay mà quên mất mặt trăng”. Số phận Người Thơ oái oăm ở chỗ: để làm được thơ, anh phải biết chữ; nhưng muốn lặn vào cái hố thẳm của thơ, anh lại phải …vứt chữ; và cái nỗ lực vứt bỏ chữ nghĩa còn thống khổ hơn nỗ lực biết chữ gấp vạn lần!

…Tôi đang viết tản - mạn – thơ. Tôi không lý luận hay phân tích thơ. Đừng đòi hỏi tôi phải dẫn chứng. Nêu vài câu thơ để dẫn chứng, không khéo, tôi lại biến mình (và biến cả bạn) thành… thầy bói xem voi. Nếu thích, bạn cứ đi tìm - một mình đi tìm - đừng dựa dẫm vào bất cứ ai; bởi đi vào thế giới thi ca, độc giả chính là đồng tác giả - nghĩa là hành trình của độc giả cũng phải là một hành trình cô đơn…

3. Tản mạn cùng thơ đương đại

Chạm mặt vào thơ đương đại, chúng ta ngỡ ngàng vì sự trúc trắc của câu chữ; chúng ta khó chịu vì sự “sống sượng” của từ; chúng ta mịt mù vì tính “phi tuyến tính” của nghĩa? Không sao. Tất cả những điều đó sẽ qua đi nếu chúng ta có thiện chí nhập cuộc; không định kiến; không “gồng mình lên” để chuẩn bị “ăn thua”. Vấn đề sẽ dễ dàng sáng tỏ hơn nếu chúng ta không khư khư ôm cái “lý” của mình để phủ nhận tất cả những gì không giống ta là “vô lý” (nói theo kiểu nhà thơ Inrasara: “… Chúng ta vẫn còn khép mình dưới bóng Mỹ học truyền thống, vẫn còn để Mỹ học nông nghiệp gò bó sáng tác mình, lối thưởng ngoạn văn chương của mình…”). Chỉ khi nào chúng ta chịu buông cái “lý” của mình ra để chấp nhận cái “lý của sự vô lý”, chúng ta mới có được cơ may nhìn thấy

Tất nhiên, không phải cứ câu cú trúc trắc, từ ngữ sống sượng, ý tưởng “ lộn tùng phèo” là thành… thơ đương đại; nhưng thứ “hàng nhái” ấy chẳng khó khăn gì mà không nhận ra khi chúng ta đã “làm quen” được với thơ đương đại thực sự. Mà ngay cả thơ đương đại thực sự, không phải ai cũng “hợp khẩu vị”; bởi cái “khiếm khuyết”(?) lớn nhất của thơ đương đại chính là sự khủng hoảng về nhạc tính. Chính sự khủng hoảng ấy làm thơ đương đại khó nhớ, khó thuộc; và những người đã quá quen với Mỹ học truyền thống (kể cả tôi) khó bề mà thích thú một cách trọn vẹn!

Tuy vậy, dù thích hay không thích, thích nhiều hay thích ít, tôi vẫn phải nghiêng mình kính nể các nhà thơ đương đại – kính nể cái Tâm, cái Dũng của họ. Cho dù con đường họ đổ mồ hôi khai phá mai kia có thể thành đại lộ; cũng có thể chỉ còn cỏ mọc, bìm leo; nhưng giá trị chính ở chỗ họ dám khai phá. Mặc dù biết có thể thất bại, họ vẫn chấp nhận làm “kẻ mở đường, dám đánh liều thơ mình, đời mình cho nó” (Inrasara). Đó là bài học về thái độ sống, nhân cách sống mà chúng ta cần phải trân trọng; không phải cứ nhăm nhăm chực chờ dè bỉu chỉ vì họ “không giống ta”, hay họ không cam chịu “yên thân” như ta…

4. Tiểu kết

Tôi viết về sự hữu hạn của ý thức, về sự bất lực của ngôn ngữ - nghĩa là tôi đang tự mâu thuẫn với chính mình? Đúng. Dùng cái hữu hạn để diễn tả cái vô hạn là một điều vô lý. Ở đây, chỉ xin phép lưu ý quý độc giả một điều: tôi đang viết tản - mạn – thơ; nghĩa là tôi đang ít nhiều… làm thơ. Cũng như trong “Thơ – đôi điều tản mạn 1”, tôi muốn chia sẻ chút ít những suy tưởng, cảm nhận lan man của mình đối với những người bạn đồng hành (còn đối với những người không đồng hành, tôi… không dám!). những người bạn đồng hành của tôi, xin bạn đừng ngạc nhiên khi thấy bài viết của tôi ít nhiều có sự mâu thuẫn, ít nhiều có sự phi lý, hay phi tuyến tính về ý tưởng. Điều ấy phải có, chắc chắn có. Đó cũng là một minh chứng cho cái hữu hạn của ý thức, cho sự bất lực của ngôn từ. Bạn đừng ngạc nhiên. Nếu cần, bạn cứ việc lột phăng ngôn ngữ vứt sang bên; vứt luôn cả thói quen đọc tuyến tính, thuần duy lý của bạn để chia sẻ cùng tôi cái đằng sau ngôn ngữ. Có thế, họa may chúng ta mới có thể đồng cảm cùng nhau trên con đường Không Có Con Đường…

Tin liên quan

Videos

Thư viện Hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 7
Hôm nay 600
Tháng này 23329
Tổng truy cập 8513160