Giá trị vĩnh hằng của mảnh đất Quảng Nam không chỉ nằm trong thiết chế văn hóa như "đất văn hóa", "đất địa linh nhân kiệt"… như nhiều người vẫn biết đến mà còn in đậm trong ký ức nhiều thế hệ bởi các làn điệu dân ca, lời ru, câu hò… đặc sắc của Liên khu V. Dựa trên Nghị quyết TW 5, khóa VIII, về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", huyện ủy Quế Sơn đã có Nghị quyết 06 về khôi phục và phát triển các loại hình tuồng, dân ca trên địa bàn huyện giai đoạn 2012-2015 và hướng đến 2020. Do đó, huyện ủy cùng Phòng Văn hóa - Thông tin, Phòng GD-ĐT quyết định đưa dân ca Liên khu V vào trường học.
Ông Lê Lực - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quế Sơn cho biết: "Mục đích của việc đưa dân ca Liên khu V vào trường học là nhằm khôi phục và phát triển các loại hình dân ca như bài chòi, điệu hò, điệu lý… Quảng bá và giáo dục một các gián tiếp cũng như trực tiếp lòng yêu nước, yêu quê hương và tự hào với những di sản âm nhạc".
Theo ông Lê Lực, dân ca Liên khu V sẽ được đưa vào 41 trường học trên địa bàn huyện, trước hết Phòng Văn hóa - Thông tin tập huấn cho các giáo viên dạy nhạc và các giáo viên sẽ dạy dân ca trong chương trình ngoại khóa. Theo đó, các giáo viên dạy nhạc sẽ dạy vào các giờ sinh hoạt theo chủ điểm, sinh hoạt cuối tuần để dạy hát.
Vừa rồi, huyện Quế Sơn cũng mời Nhà hát tuồng Nguyễn Hữu Dĩnh tập huấn. Tuy nhiên theo ông Lực, huyện Quế Sơn cũng có lợi thế nhất định khi đưa vào giảng dạy. Ông Lực cho biết: "Huyện Quế Sơn là cái nôi của dân ca Liên khu V, hầu hết các cấp đều có CLB hát tuồng do vậy các trường có thể nhờ CLB giúp đỡ, hỗ trợ, còn hát dân ca do Phòng VH-TT tập huấn, các trường tiến hành giảng dạy".
Tuy nhiên việc đưa vào giảng dạy vẫn còn nhiều khó khăn, Trường THCS Quế Châu (xã Quế Châu, huyện Quế Sơn) sẽ thực hiện giảng dạy hát dân ca vào ngoại khóa theo hướng dẫn của phòng GD-ĐT, trường hiện có 1 giáo viên dạy nhạc, dạy 16 lớp, mỗi lớp 1 tiết.
Ông Bùi Mai - Hiệu trưởng Trường THCS Quế Châu cho biết: "Đơn vị cũng đã tham gia tập huấn, gửi trích đoạn dự thi, nhưng triển khai thực hiện thì chưa làm được". Về nguyên nhân, ông Mai cho biết: "Giáo trình, giáo viên giảng dạy đều đã chuẩn bị, tuy nhiên việc am hiểu thực sự thì không được bài bản".
Theo ông Mai, nếu thuê người về dạy thì rất khó do kinh phí không đủ, như vậy thì các phòng, ban phải thực hiện đào tạo giáo viên nhạc. Tuy nhiên ông cũng cho rằng:" Việc đào tạo phải thực hiện ngoài năm học, như Trường THCS Quế Châu chỉ có 1 giáo viên dạy nhạc, nếu đào tạo trong năm thì ai sẽ dạy, phải đi hợp đồng giáo viên?".
PV trao đổi với cô Trịnh Thị Liên - giáo viên dạy nhạc Trường THCS Quế Châu, cô cho biết: "Bình thường việc dạy theo chương trình chính khóa thì 2-3 tiết ôn tập là học sinh sẽ học hết một bài nhạc. Tuy nhiên dân ca là loại khó, ít nhất sẽ mất 4-5 tiết ôn tập mới hết một bài. Môn dân ca trong bài chòi rất là khó với các em, nếu như đưa vào trong chương trình phải có tài liệu. Khó nhất đối với bài chòi chính là giọng điệu và nhạc cụ. Kiến thức mà các em sử dụng vào rất khó rất. Đòi hỏi các em phải tiếp cận từ từ."
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng qua 2 năm triển khai, trước hết là trong cán bộ giáo viên nhà trường, huyện đã tổ chức 2 đợt thi cho bậc học mầm non và cho các cán bộ giáo viên toàn ngành, bước đầu mang lại hiệu quả, nhất là trong các tác phẩm dự thi.
Nguyễn Trang
(Theo Báo Dân trí)